Chuyển tới nội dung

Phân biệt kế toán, Tài chính và Quản trị kinh doanh

01.04.2021

      Kế toán, Tài chính và Quản trị kinh doanh là 3 ngành trong khối kinh tế nhận được khá nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn còn khá mông lung vì không phân biệt rõ được 3 ngành này. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các em chọn đúng ngành học cũng như có định hướng rõ ràng hơn về sự nghiệp tương lai của mình.

Các điểm giống nhau

1. Xoay quanh đồng tiền

Về cơ bản thì cả ba ngành này đều dựa trên nền tảng chung là tiền. Tài chính làm việc về dòng tiền, Quản trị kinh doanh cũng quan tâm đến lợi nhuận là tiền, Kế toán ghi chép các hoạt động liên quan tới tiền. Tuy nhiên mỗi ngành sẽ có các nhìn nhận về tiền khác nhau

2. Sự hiện diện của tính toán

Cấp độ Toán học trong mỗi ngành cũng khác nhau nhưng ít nhiều đều có sự góp mặt của các con số và những phép tính. Nếu bạn chỉ thích làm việc với chữ nghĩa hay tranh ảnh thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn học ba ngành này vì không phải ai cũng phù hợp với việc xử lý các con số, nhất là việc nhập sai một con số thường dẫn đến tổn thất lớn.

 3. Có sự liên hệ qua lại giữa 3 ngành

Dù bạn học ngành nào trong số 3 ngành Kế toán, Tài chính và Quản trị kinh doanh thì thể nào bạn cũng sẽ ít nhiều biết đến hai ngành còn lại để có góc nhìn toàn cảnh. Bới ba ngành học này đều chịu sự tác động lẫn nhau nên thường xuất hiện chung với nhau

Các điểm khác nhau 

1. Định nghĩa

Quản trị Kinh doanh: Đây là ngành học dễ hình dung nhất vì đúng như tên gọi, ngành học này giúp bạn hiểu về cách thành lập và vận hành của một doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận. Bạn có thể áp dụng các kiến thức được học để quản lý hoạt động kinh doanh của chính mình hoặc chọn một khâu trong hoạt động kinh doanh của người khác để làm việc.

 

Tài chính: Từ Hán Việt “tài” có nghĩa là “tiền của” nên ngành học này sẽ tập trung đào sâu về tiền nhiều hơn hai ngành còn lại. Khi chọn học Tài chính, bạn sẽ thu nạp các kiến thức liên quan đến tiền như ngân hàng, các khoản đầu tư, hình thức cho vay, quỹ tín dụng, bảo hiểm, nợ và các loại hình khác.

 

Kế toán: Kế có nghĩa là liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức; toán là tính toán, tính ra kết quả lao động mà còn người đạt được. Khi học kế toán, bạn sẽ được làm việc với mọi hoạt động kinh tế tài chính của doanh nghiệp, từ việc thu chi tiền, mua bán hàng hóa, giao dịch với các đối tác, ngân hàng, cơ quan thuế, bảo hiểm.... Kế toán hiện đại đã không còn vất vả tính toán như trước khi có sự hỗ trợ đáng kể từ các phần mềm kế toán.

 

2. Công việc

- Các chuyên gia tài chính (ví dụ như cố vấn tài chính, chuyên viên hoạch định, chuyên viên đầu tư) thường tham gia vào việc tìm nguồn vốn và đầu tư tiền để phát triển công ty và mang lại lợi nhuận trong tương lai.

- Mặt khác, kế toán viên có xu hướng nhìn về quá khứ, theo dõi, báo cáo và phân tích các giao dịch tài chính của một tổ chức. Các công việc bao gồm: ghi lại dòng tiền của công ty, duy trì sổ cái kế toán và báo cáo thu nhập và thua lỗ, do đó đảm bảo rằng các sự kiện trong quá khứ được ghi lại chính xác.

- Người làm về quản trị kinh doanh sẽ thực hiện các hành vi quản trị dựa trên số liệu của kế toán viên và sự tư vấn của chuyên gia tài chính để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa "hiệu suất", "quản lý hoạt động kinh doanh" bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý. 

 

3. Chuyên ngành

Cũng giống như các ngành nghề khác, bạn có thể chọn chuyên về các lĩnh vực khác nhau để làm việc dựa trên sở thích của bạn.
- Nhìn chung, có 3 lĩnh vực chính về Tài chính: tài chính cá nhân, tài chính doanh nghiệp và tài chính công. Trong các trường đại học thường đào tạo các chuyên ngành như tài chính doanh nghiệp, tài chính công, tài chính ngân hàng, thuế hải quan, bảo hiểm,...
- Mặt khác, các lĩnh vực chính của kế toán là kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán thuế và dịch vụ kiểm toán & đảm bảo. Trong các trường đại học thường có chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, kế toán công, kiểm toán.

- Quản trị Kinh doanh có các chuyên ngành như Nhân sự, Marketing, Sales,.... Ngành quản trị kinh doanh khá rộng nên việc phân chuyên ngành thường tùy vào đặc điểm đào tạo của từng trường.

 

4. Tương lai nghề nghiệp

Khi chọn học Quản trị Kinh doanh, bạn có thể tự mở công ty hoặc tập trung theo đuổi một chuyên ngành nhất định như nhân sự hay marketing.

Khi học Tài chính, bạn có thể chọn theo đuổi công việc chuyên gia phân tích tài chính, nói cách khác là hướng dẫn sử dụng tiền cho cá nhân, doanh nghiệp hoặc chính phủ. Bạn có thể tìm kiếm việc làm ở các quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại, các công ty cổ phần tư nhân và các công ty liên kết với chính phủ.

Đối với ngành Kế toán, sinh viên tốt nghiệp có thể làm nhân viên kế toán tại bất kỳ doanh nghiệp nào dù là cơ quan nhà nước hay tư nhân; hoặc có thể làm Kiểm toán tại các công ty dịch vụ kiểm toán. Điều đáng chú ý là tất cả các công ty, dù lớn hay nhỏ, đều cần các chuyên gia kế toán, trong khi không phải mọi công ty đều yêu cầu một chuyên gia tài chính hay quản trị kinh doanh. Điều này có nghĩa là các lựa chọn việc làm của bạn có thể rộng hơn nhiều khi tốt nghiệp kế toán.

Nhìn chung, với các kỹ năng học được trong cả ba ngành thì bạn có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp vì ngành nào cũng đóng vai trò quan trọng trong xã hội.

Bài viết khác