Những hiểu lầm về ngành du lịch của học sinh khi chọn trường
Ngành du lịch (tiếng Anh là Tourism) đã, đang và sẽ tiếp tục là lựa chọn của rất nhiều bạn bước tới ngưỡng cửa Đại học. Trong một khảo sát gần đây, có tới 47% bạn sinh viên cho biết đăng ký học ngành du lịch do sở thích. Ngành du lịch đã quá phổ biến và gần gũi với các bạn học sinh, sinh viên. Nhưng liệu các bạn có thật sự “biết” và “hiểu” về ngành du lịch? Hãy cùng khám phá những hiểu lầm phổ biến nhất của các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt hữu ích đối với những bạn học sinh đang ký tên lên tờ đăng ký nguyện vọng nhé.
NGÀNH DU LỊCH KHÔNG CHỈ LÀ VỀ ... DU LỊCH
Trong suy nghĩ của nhiều người, ngành du lịch chỉ gói gọn trong các chuyến đi bát ngát, phục vụ khách hàng có nhu cầu đi chơi và đi nghỉ dưỡng trong một hoặc nhiều ngày. Nhưng nó là một hiểu lầm cơ bản nhất. Du lịch (遊歷) có nguồn gốc từ Hán Việt. Trong đó du (遊) là chỉ việc dịch chuyển, từ việc đi chơi loanh quanh – bàn du (般遊) đến việc đi chơi xa – viễn du (遠遊) đều là chỉ việc du trong du lịch này. Còn lịch (歷) lại có nghĩa là trải qua, vượt qua như kinh lịch (經歷), duyệt lịch (閱歷), cũng có nghĩa là kinh nghiệm, việc làm đã trải qua như lý lịch (履歷). Như vậy, có thể hiểu nghĩa rộng hơn du lịch có nghĩa là đi để có trải nghiệm, kinh nghiệm, không quan trọng là đi gần hay xa, dài ngày hay ngắn ngày.
Trên thực tế, ngành du lịch được chia làm các ngành cụ thể khác như ngành lữ hành (đưa mọi người đi chơi xa) ngành lưu trú (đón mọi người ở xa đến) ngành công vụ (sắp xếp, tổ chức cho buổi gặp mặt, buổi họp với mục đích kinh doanh hoặc làm việc) ngành nhà hàng (tiệc hiếu hỉ, ẩm thực văn hóa hoặc cũng có thể là ... cơm bụi) và ngành sự kiện (các hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ và các sự kiện khác). Có thể thấy, ngành du lịch là ngành năng động và bao hàm nhiều khía cạnh mà chắc chắn, mỗi khía cạnh đều có cơ hội việc làm lớn.
NGÀNH DU LỊCH KHÔNG PHẢI CHỈ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NĂNG ĐỘNG.
Mặc dù năng động và luôn đổi mới là điển hình của ngành du lịch, nhưng những người học và làm về du lịch chưa chắc đã cần có một tính cách năng động. Ở đây chúng ta chia làm 3 trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: những người năng động. Tất nhiên ngành du lịch là một sân chơi lớn cho những người thích dịch chuyển, khám phá, nhảy nhót rồi. Nhưng nó chỉ đúng với những công việc mang tính đi lại, dịch chuyển nhiều hoặc cần sự sáng tạo như hướng dẫn viên, MC hay tổ chức sự kiện. Nhưng đối với nhiều vị trí khác, sự sáng tạo hay năng động lại chẳng giúp ích được gì, như những vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đặc biệt là những vị trí chăm sóc khách hàng. Những vị trí này cần nhiều sự kiên nhẫn và điềm tĩnh hơn, mà hai tính cách này phần lớn ít tồn tại trên những con người sáng tạo hay năng động.
- Trường hợp thứ hai: học sinh “cảm giác” mình chưa năng động. Có nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa đại học đã bày tỏ rằng, em chưa thấy mình là người năng động, hay em không có nhiều tài lẻ nên em nghĩ mình không phù hợp với ngành du lịch. Tuy nhiên, theo như khảo sát sinh viên khóa mới ở trường đại học sau 6 tháng thì có tới 80% đã hoặc đang đăng ký tham gia một câu lạc bộ du lịch, trong đó hơn 52% cho rằng đã thay đổi tính cách một cách năng động và hòa nhập hơn. Phần lớn cho rằng họ không có không gian và thời gian để tỏ ra “năng động” tại trường cấp 3.
- Trường hợp thứ ba: đã học đại học ra trường, nhưng không có cảm giác mình “năng động”. Những tính cách này thường thấy ở các khóa đại học cũ, nhưng giảm dần theo thời gian. Các bạn có tính cách này thường hay trầm tư suy nghĩ và ít khi quan tâm tới “thực tại”. Nhưng đa số cho rằng diễn biến suy nghĩ trong đầu lại diễn ra rất phức tạp nhưng không có cơ hội, hoặc không biết cách để thể hiện nó ra bên ngoài. Những người này phần lớn lại đều có những ý tưởng hay ho trong quá trình làm việc của mình tại doanh nghiệp du lịch.
Như vậy, có thể nói rằng ngành du lịch rất rộng lớn, dành cho nhiều đối tượng. Chỉ có điều, quan trọng nhất trong ngành du lịch là sự yêu thích ngành và cái tâm phục vụ người khác.
LÀM NGÀNH DU LỊCH, VẪN CÓ ĐỦ KHẢ NĂNG VÀ KIẾN THỨC ĐỂ LÀM CÁC NGÀNH KINH TẾ KHÁC.
Lại một sự hiểu lầm lớn nữa xuất hiện trong đầu các bạn học sinh, đó là “học ngành gì thì ra trường chỉ làm về ngành đó”. Đó là một sai lầm cơ bản, đối với các khối ngành kinh tế nói riêng và nhiều ngành khác nói chung, “chuyên ngành” chỉ là sự nghiên cứu chuyên sâu hơn về một lĩnh vực cụ thể, trong khi đó các môn học cơ bản của kinh tế nói chung đều theo một trình độ nhất định, đủ để các bạn có thể ra trường và làm bất cứ ngành kinh tế nào.
Tuy nhiên, riêng với trường hợp của ngành du lịch lại có một kinh nghiệm khác hơi đặc biệt. Đó là trong quá trình di chuyển không ngừng nghỉ của mình, các bạn cũng sẽ tiếp thu thêm những kinh nghiệm trải nghiệm về các ngành nghề khác tại địa phương mình đi qua. Dù cho nó là kinh nghiệm được tiếp thu một cách chủ động hay thụ động, nó cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc khởi điểm một ý tưởng kinh doanh nào đó khác với công việc hiện tại.
DU LỊCH CŨNG CẦN CÓ NHỮNG TRÁCH NHIỆM VỀ MÔI TRƯỜNG
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành du lịch được ví như một ngành “công nghiệp không khói”. Nghe có vẻ an toàn với môi trường, nhưng không hẳn như thế. Ngành du lịch vẫn có hàng tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày, từ những vật dụng dùng một lần của khách sạn đến những đồ đạc hỏng và thức ăn thừa từ những nhà hàng sang trọng, tất cả đều ảnh hưởng tới môi trường.
Nhưng, ngành du lịch lại có được một động cơ thúc đẩy lớn, có những hoạt động sáng tạo và sự lan tỏa mạnh mẽ. Xuất phát từ việc gây hại tới môi trường cũng sẽ gây hại tới chính thu nhập của ngành, cho dù là lưu trú, lữ hành, khách sạn, công vụ hay sự kiện, về cả tầm vi mô và vĩ mô. Nên ngành du lịch được dự đoán sẽ là ngành tiên phong trong mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày càng nhiều hình thức du lịch sinh thái, hướng tới môi trường được phát triển, và cũng nhiều hành động đẹp từ các doanh nghiệp du lịch được thực hiện và quảng bá rộng rãi.
- NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ KẾ TOÁN19.03.2021
- Cơ hội việc làm ngành Marketing18.03.2021
- KẾ TOÁN VÀ KIỂM TOÁN CÓ GÌ KHÁC NHAU?04.11.2020
- 10 sự thật thú vị về nghề Kế toán03.11.2020