Chuyển tới nội dung

Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với đào tạo ngành du lịch và lữ hành

04.06.2019

Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội với đào tạo ngành du lịch và lữ hành - hướng đi nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Cùng với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, ngành Du lịch Việt Nam đang phấn đấu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa.

Trong xu thế phát triển, việc tìm ra đáp số cho bài toán nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là không đơn giản, điều này đến từ những nguyên nhân chủ yếu như: những bất cập trong đào tạo (chương trình đào tạo chưa được thống nhất, tỷ lệ giờ thực hành thấp, thiếu hệ thống giáo trình cốt lõi); sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp mới mang tính quan hệ cá nhân chưa có chiến lược; chính sách và hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng, thiếu sự hướng dẫn cụ thể…

Nước ta có khoảng 1,3 triệu lao động trong lĩnh vực du lịch, chiếm 2,5% tổng số lao động của cả nước, trong đó có khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để đáp ứng được nhu cầu trên của xã hội, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang áp dụng những hình thức đào tạo tiên tiến về du lịch nhằm đào tạo nguồn nhân lực du lịch với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của nguồn nhân lực du lịch cả về lượng và về chất như tăng cường thực hành thực tập tại các điểm du lịch, cải thiện khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, thiết kế bài giảng theo từng tình huống nghiệp vụ. Đặc biệt, chương trình đào tạo thiết kế theo dạng cấu trúc Module theo năm, sau một năm học sinh viên sẽ nắm được một nội dung nghiệp vụ nhất định, nghĩa là các em không cần phải chờ đủ 4 năm học mới có thể đi làm được.

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được đào tạo tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ năm 2013. Đến nay, số lượng sinh viên trong ngành phát triển rất nhanh chóng. Dự kiến mỗi năm ngành tuyển sinh khoảng 400 sinh viên.

Trong quá trình đào tạo, nhà trường và khoa luôn chú trọng kết hợp đào tạo lý thuyết trên giảng đường với việc tổ chức cho sinh viên đi thực hành, thực tập tại nhiều công ty lữ hành và khách sạn uy tín (khách sạn Crowne Plaza West Hanoi Hotel & Residences, khách sạn Pan Pacific, khách sạn Melia, khách sạn JW Marriott, Công ty cổ phần đầu tư Phát triển Đông Dương…). Ngoài việc học tập, sinh viên còn được nhà trường tạo cơ hội làm việc tại các đơn vị trên theo hình thức liên doanh liên kết đầu vào – đầu ra trong quá trình học tập.

Bên cạnh đó, Khoa Kinh tế TN&MT cũng đang kết hợp với các đơn vị đào tạo nhân lực du lịch của các tỉnh miền Bắc nhằm đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ Hướng dẫn viên du lịch cho các học viên trên thị trường miền Bắc nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự về du lịch, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao hiện nay.

Với quan điểm đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch xanh nhằm cung cấp nhân sự chất lượng cao cho xã hội để phát triển du lịch bền vững, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ tài năng trong cả nước.

Trong những năm qua, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường đã nhận được kết quả đáng mừng: số sinh viên ra trường hầu hết đều làm việc tại các công ty lữ hành và khách sạn đạt tiêu chuẩn cao trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Công ty lữ hành Vietravel, khách sạn Pullman, khách sạn Crowne Plaza West Hanoi Hotel & Residences, khách sạn JW Marriott Hanoi, Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư thương mại và Du lịch Thắng Lợi, công ty cổ phần thương mại và du lịch LP Group,… Một số sinh viên còn được nhận vào làm tại những đơn vị này ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 3, thứ 4. Đây là những thành tựu rất đáng khích lệ cho những nỗ lực của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập tại trường.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang có chiến lược liên doanh liên kết với các trường đại học danh tiếng trên thế giới về du lịch nhằm phối hợp với các trường này cùng đào tạo và cấp bằng đại học quốc tế cho sinh viên sau khi ra trường. Đây sẽ là một cơ hội lý tưởng cho sinh viên trong và ngoài nước được học tập và thực hành trong môi trường hiện đại, tạo lập hành trang vững chắc để trở thành chủ nhân tương lai, đưa ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bài viết khác