Chuyển tới nội dung

Khoa Kinh tế TN&MT triển khai đồng bộ bài giảng điện tử cho các học phần thuộc khoa

02.10.2019

Khoa Kinh tế TN&MT triển khai đồng bộ bài giảng điện tử cho các học phần thuộc khoa

  KHOA KINH TẾ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ TỚI TOÀN BỘ CÁC HỌC PHẦN GIẢNG DẠY

Trong những năm gần đây, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng các bài giảng phục vụ trong công tác giảng dạy đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động tới các cấp bậc đào tạo ngày càng mạnh mẽ. Không thể phủ nhận được những ưu điểm mà bài giảng điện tử mang lại đã gây hứng thú rất cao cho người học, sự phong phú về hình ảnh minh họa, các thước phim, các tư liệu bằng âm thanh và hình ảnh... những điều này đã làm cho sinh viên hứng thú hơn với kiến thức mà mình tiếp nhận. Trên thực tế đã chứng minh, việc thu nhận kiến thức bằng tổng hòa hình ảnh, âm thanh thường sẽ dễ dàng và ghi nhớ lâu hơn là chỉ bằng những lời giảng khô khan trên lớp.

Hẳn nhiên, là một trong những khoa lớn mạnh hàng đầu của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, với những đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm trong giảng dạy các bậc học, đặc biệt là sự am hiểu về ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ trong công tác giảng dạy, mà còn được triển khai trong công tác quản lý điều hành khoa từ rất sớm. Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc cách mạng trong giảng dạy này, nhất là khi Việt Nam đang hàng ngày coi cuộc cách mạng 4.0 như là một cứu cánh tất yếu cần phải có cho sự phát triển đất nước thì việc giảng dạy bằng những phương pháp thô sơ là điều không thể biện minh được.

Hiểu được tầm quan trọng của việc giảng dạy đúng phương pháp, sẽ là một trong những tác nhân quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên của khoa, ý tưởng về việc xây dựng đề án triển khai bài giảng điện tử trong khoa đã được ban lãnh đạo khoa báo cáo chi ủy và thực hiện thí điểm từ năm 2014. Sau 4 năm nghiên cứu, thử nghiệm với nhiều khó khăn. Đến nay, từ học kỳ I năm học 2018-2019 toàn bộ các học phần trong khoa đã được chuyển đổi sang giảng dạy bằng bài giảng điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm... đã bộc lộ một số vấn đề mà các giảng viên trong khoa đã phải mất nhiều thời gian để tìm phương án khắc phục. Đó là:

Thứ nhất: Các học phần trong khoa chủ yếu là lý thuyết, một số học phần mang tính quy tắc như Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính... sẽ rất khó để có những tư liệu về Multimedia để bài giảng sinh động. Nếu không giải quyết được, sẽ dễ biến tướng thành việc sử dụng bài giảng điện tử như một máy chiếu văn bản sẽ thành điểm bất lợi.

Thứ hai: Khi ứng dụng bài giảng điện tử, thì cần phải cấu trúc lại nhiều về phương pháp giảng dạy, làm sao để vừa phát huy được điểm mạnh của bài giảng điện tử, nhưng không bó phí những điểm rất tốt của cách giảng truyền thống là sử dụng tối đa hiệu quả của bảng phấn.

Thứ ba: Bài giảng điện tử không chỉ đơn thuần là ứng dụng CNTT vào việc số hóa bài giảng, mà nó còn là phương pháp giảng dạy, cách dạy truyền thống không thể nào mang toàn bộ sang dạy theo mô hình của bài giảng điện tử.

Thứ tư: Các giảng viên trong khoa dù rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng ứng dụng Powerpoint trong việc xây dựng bài giảng điện tử, nhưng các kiến thức bổ trợ khác như sử dụng phần mềm Photoshop, Flash, Creat, AutoCad... còn khá yếu nên đã hạn chế khả năng sáng tạo trong bài giảng.

Đây là ba vấn đề khó khăn đặt ra cho các bộ môn của khoa, nếu giải quyết không được sẽ thất bại, nếu giải quyết được, sẽ là ưu điểm lớn trong công tác giảng dạy của Khoa. Với quyết tâm phải cái cách phương pháp giảng dạy trong toàn khoa, Trưởng các bộ môn cùng lãnh đạo khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường đã từng bước tháo gỡ các vấn đề trên thông qua một số giải pháp sau:

Một là: Cần phải bóc tách nội dung giảng dạy thành các tình huống nghiệp vụ, tận dụng tối đa các hình ảnh mô phỏng cho nghiệp vụ đó, ưu tiên các học phần có nhiều tình huống thực tế như học phần Quản trị học, Kỹ năng giao tiếp... lấy những đoạn video về các tình huống đó nồng ghép vào bài giảng để đạt tối đa tính sinh động, thực tế về các nội dun giảng dạy. Các tình huống nào không thể bóc tách được mới để dạng Text nhưng cần trang trí sao cho hấp dẫn. Với các học phần giảng dạy cho sinh viên về phần mềm chuyên ngành như Kế toán, CRM, ERP... thì giảng viên sẽ dùng máy chiếu để sử dụng phần mềm trực tiếp trên máy, sẽ giúp sinh viên nắm bắt được các thao tác, các lỗi thường gặp khi sử dụng phần mềm đó.

Hai là: Tuyệt đối không được rời bỏ ngay việc dùng bảng, như chúng ta đã biết, slide có nhược điểm là khi nhảy slide sẽ khó hình dung tổng quát bài giảng của tiết học đó, vì vậy cần phải đồng bộ slide với các đề mục ghi trên bảng. Giảng viên cần tối thiểu chia bảng thành hai phần, một phần ghi đề mục và phần kia dùng để giải thích thêm các vấn đề mà trong slide không có để minh họa.

Ba là: Cần chia sinh viên thành các nhóm thảo luận, yêu cầu sinh viên thực hiện việc xây dựng các Modul kiến thức để trình chiếu và thảo luận cùng lớp. Giảng viên lúc này giữ vai trò là trọng tài và định hướng cho sinh viên. Thực hiện được việc này, không chỉ giúp sinh viên hiểu sâu hơn kiến thức của mình mà còn là cơ hội để các em rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng CNTT giúp ích cho các bài học sau này.

Bốn là: Tích cực học tập thêm các công cụ hỗ trợ trong việc xây dựng bài giảng thông qua các giáo trình, các lớp học ngắn hạn, đặc biệt là sự chia sẻ kiến thức cho nhau từ các giảng viên khác đã làm phong phú các công cụ hỗ trợ trong xây dựng bài giảng điện tử của khoa.

 

Như vậy, với những ưu thế đạt được từ bài giảng điện tử, đã giúp khoa khắc phục được khá nhiều những vấn đề tồn tại bấy lâu nay trong giảng dạy đó là sự nhàm chán khi sinh viên hàng ngày ngồi chép và giảng viên đọc. Hơn nữa, với đặc thù là khoa đa ngành, nhiều học phần, nhiều giảng viên giảng dạy... thì việc áp dụng bài giảng điện tử này còn có ưu điểm là, toàn bộ giảng viên trong khoa đều chỉ sử dụng duy nhất một slide bài giảng cho từng học phần. Do vậy, khi có sự thay đổi bất cứ giảng viên nào, thì sinh viên không gặp phải vấn đề là mỗi giảng viên dạy một lượng kiến thức khác nhau sẽ khiến các em khó tiếp nhận kiến thức. Việc sử dụng chung bài giảng còn giúp chính các giảng viên trong khoa giúp nhau phát hiện các vấn đề về chuyên môn để điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, với việc đồng bộ style bài giảng theo một Fomat chung toàn khoa sẽ rất dễ dàng nhận diện thương hiệutrong việc quảng bá hình ảnh năng động, sáng tạo, và quyết tâm nâng cao chất lượng của thầy và trò khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. Hơn thế nữa, đây chính là tiền đề để khoa tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo trực tuyến E-learning xây dựng dựa trên nền tảng mã nguồn mở MOODLE trong tương lai không xa.

Như vậy, việc sử dụng bài giảng điện tử trong toàn khoa bước đầu đã được triển khai, mặc dù trong quá trình vận hành sẽ còn nhiều bước phải hoàn thiện, nhưng tập thể giảng viên của khoa tin rằng, với quyết tâm mang lại cho sinh viên trong khoa thừa hưởng các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất, sẽ là một trong những nhân tố quan trọng giúp các em trang bị được những kiến thức vượt trội khi đi làm tại các doanh nghiệp cũng như học ở bậc học cao hơn.

 

Một số hình ảnh giảng dạy bằng bài giảng điện tử của khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường

-------------------------------------------------------------------
ĐỊA CHỈ ĐÀO TẠO
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường
Địa chỉ: Số 41A, đường Phú Diễn, P. Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Fanpags: https://www.facebook.com/khoakinhtetnmt
Điện thoại:0243.8370598, số máy lẻ 404; 
Di động: 0978595420 hoặc 0974301888